Nếu như tháng 6 số ca mắc sốt xuất huyết được coi là tăng đột biến với hơn 250 ca, thì đến tháng 7 con số này đã gấp 4 lần và tiếp tục tăng trong tháng 8. Số ca nhiễm và nghi nhiễm tại Hà Nội đã gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ngay từ đầu năm, nhưng bắt đầu có xu hướng gia tăng trong tháng 6. Đặc biệt trong 2 tháng cao điểm của dịch (tháng 7 và 8), số mắc chiếm tới 80% số mắc từ đầu năm.
Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, thời gian gần đây mỗi ngày có 30-40 bệnh nhân đến khám vì sốt xuất huyết, trong đó đến 90% là ở Hà Nội. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ quan nhập viện muộn với biến chứng nặng như: chảy máu nội tạng, sốc, trụy mạch...
Khoa hồi sức tích cực Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đang điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng nặng. Ảnh: N.P. |
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Hồi sức tích cực Viện cho biết, bệnh sốt xuất huyết rất khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu bởi dấu hiệu lâm sàng không rõ ràng, giống như sốt thông thường. Bệnh nhân thường sốt cao đột ngột, 39-40 độ C, kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau người, đau cơ, thường sau 2 - 3 ngày da mới xung huyết hoặc có phát ban.
Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng. Nhiều trường hợp mắc gây chảy máu dạ dày, rong kinh kéo dài..., mất nhiều máu. Nếu không được điều trị và hỗ trợ truyền máu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Vị trí xuất huyết trên cơ thể là rất tình cờ, và nếu chảy máu cơ quan nội tạng, người bệnh thường không tự nhận biết được vì không để ý. Chẳng hạn, nếu phụ nữ đang đúng thời kỳ kinh nguyệt thì bị sốt xuất huyết có thể khiến kỳ kinh kéo dài hơn, ra nhiều máu hơn. Với những người có tiền sử đau dạ dày sẽ dễ bị xuất huyết dạ dày. Một số phụ nữ mang thai lại mắc bệnh đúng thời điểm chuyển dạ sinh, rất nguy hiểm vì nguy cơ mất máu nhiều.
- Dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Các tháng 7,8,9 được coi là cao điểm của đợt dịch. - Tính đến ngày 19/8/2009, Hà Nội có 2.160 trường hợp nghi mắc, không có ca tử vong, chủ yếu là người lớn và trẻ trên 15 tuổi (chiếm gần 90%). |
Bác sĩ Cấp cũng cho biết, tùy từng người mà bệnh diễn tiến nặng nhẹ khác nhau. Với những người có biểu hiện rất nhẹ chỉ sốt thì có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà, khi thấy dấu hiệu nặng hơn mới nhập viện.
Ở nhà, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn các chất dễ tiêu, đặc biệt là uống nhiều nước. Vì bệnh này thường làm máu bị cô đặc lại, làm cho máu rất khó lưu thông, gây ra biến chứng sốc. Bệnh nhân nên uống nhiều nước để máu dễ lưu thông hơn, có thể uống Oresol, nước cam, chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi.
Tuy nhiên, bác sĩ Cấp cũng cho biết người bệnh không nên chủ quan. Với bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân thường sốt rất cao 1 – 2 ngày đầu nhưng không nguy hiểm nhiều. Nguy hiểm thường ở ngày thứ 3 – 6, lúc đó, người bệnh mệt lả đi, đái ít, tiểu cầu sụt giảm, xuất hiện nguy cơ chảy máu, sốc. Vì thế, bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện nguy cơ.
Ngoài ra, điều đặc biệt là các ca mắc chủ yếu là học sinh, sinh viên. Lý do là vì các em thường trọ ở những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp, nhiều muỗi. Nhưng lại chủ quan ngủ không mắc màn nên nguy cơ bị sốt xuất huyết càng cao.
Vì thế, để phòng bệnh, quan trọng nhất là ngủ màn, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt muỗi, bọ gậy. Trong thời điểm này, nếu có những dấu hiệu sốt cao đột ngột liên tục 2-7 ngày, đau người, xuất huyết (xuất huyết tự nhiên như: chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh)... nên đến bệnh viện khám và điều trị, bác sĩ khuyến cáo.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét