Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Hai bệnh nhân H1N1 may mắn thoát 'cửa tử'

Viêm phổi nặng, suy hô hấp rồi hôn mê, sau hơn hai tuần vật vã vì H1N1, sáng nay, hai bệnh nhân Cao Thị Hợi và Vũ Minh Quân được các bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) thông báo họ có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Không nén được cảm xúc sau khi được bác sĩ cho biết phổi đã “sạch” trở lại, bà Hợi nói: “Thấy mọi người không dám đến gần, các bác sĩ thì lại mặc trang phục kín mít lúc khám, tôi biết mình đã bị cúm nên lo lắm. Càng sợ hơn khi cơ thể mỗi lúc một mệt dần cho đến lúc mê man. Tôi cứ tưởng mình đã ra đi”, bà Hợi nói.

Cũng theo lời bà Hợi, bà hoàn toàn không nghĩ mình bị cúm H1N1 bởi 4 ngày trước khi nhập viện, khi đang nuôi chồng bị bệnh điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 10), bà chỉ bị ho, thi thoảng khạc ra đờm và đau họng.

“Nghĩ bị bệnh thông thường nên tôi chỉ uống thuốc cảm, nhưng đến sáng ngày 11/8, tôi bỗng dưng thấy tức ngực, khó thở và khi được đưa vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì tôi mệt luôn”, bà Hợi kể.

Kết quả PCR cho thấy, bệnh nhân Vũ Minh Quân đã khỏi cúm H1N1. Ảnh: Cao Lâm.

Cùng phòng với bà Hợi, bệnh nhân Vũ Minh Quân cho hay, do bị mê man quá lâu, nên lúc ấy, anh không còn đủ sức để sợ hãi. “Lúc đó tôi lơ mơ nghe các bác sĩ bảo mình bị viêm phổi. Đến khi tỉnh lại mới biết mình bị cúm tấn công”, anh Quân nói.

Miên tả tình trạng sức khỏe, anh Quân cũng cho hay, mặc dù vẫn còn mệt nhưng so với lúc mới nhập viện, anh đã thấy mình thở dễ hơn rất nhiều, họng cũng bớt đau và không còn ho.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân Vũ Minh Quân (25 tuổi) ngụ tại TP HCM, vào viện ngày 3/8 với biểu hiện suy hô hấp, phù phổi, viêm phổi cấp. Nguyên nhân được xác định là do virus H1N1, bệnh nhân sau đó hôn mê do suy hô hấp phải thở máy.

Ngày 11/8, Cao Thị Hợi, quê ở Bình Thuận là ca nặng tiếp theo nhập viện với chứng viêm phổi nặng và cũng được xác định do H1N1. Dù bà Hợi không cần thở máy, tuy nhiên ảnh phổi của hai bệnh nhân khi nhập viện đều trắng xóa, điều này cho thấy phổi đã bị tổn thương rất nặng.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng khoa Cúm A, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thừa nhận, ngoài trường hợp đã tử vong hôm 10/8, đây là hai ca nguy kịch nhất trong số các bệnh nhân mắc H1N1 mà bệnh viện từng điều trị.

Ảnh trái cho thấy phổi bệnh nhân bị tổn thương nặng do H1N1 gây nên. Ảnh: Cao Lâm.

“Hầu hết bệnh nhân H1N1 tử vong đều bắt đầu từ viêm phổi cấp sau đó suy đa cơ quan. Hai bệnh nhân trên vừa nhập viện đã có biến chứng viêm phổi nặng. May mắn là sau một thời gian điều trị tích cực, các bệnh nhân có tiến triển khá tốt", ông Xuân nói.

Ngoài 2 bệnh nhân nặng vừa qua cơn hiểm nghèo, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hiện điều trị cho 18 trường hợp nhiễm H1N1, tuy nhiên tất cả đều thuộc thể nhẹ.

Tại TP HCM, ngoài Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch các bệnh viện khác như Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, là những nơi tiếp nhận những ca bệnh H1N1 thuộc dạng có biến chứng nặng

Sau gần 3 tháng có ca bệnh đầu tiên, VN đã phát hiện hơn 2.000 trường hợp mắc cúm H1N1, trong đó, TP HCM chiếm khoảng 1 nửa. Hai bệnh nhân, một ở Khánh Hòa và một ở TP HCM đã tử vong.

Để tránh trường hợp bị biến chứng nặng do cúm H1N1, các bác sĩ chuyên khoa khuyên người dân nên đến bệnh viện khám khi có những triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khạc có đờm, viêm họng, tức ngực, khó thở. Riêng các bệnh viện tuyến dưới, khi thấy bệnh nhân bị viêm phổi, cần tiến hành xét nghiệm H1N1 để có hướng điều trị sớm.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét