Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

Phá thai nhiều lần vì bác sĩ 'quên' tư vấn

Có bầu khi còn đi học, Tâm tìm đến một phòng khám sản tư để hút thai. Trong tâm trạng lo sợ, cô hỏi bác sĩ làm thủ thuật về ảnh hưởng của việc này thì được trả lời: "Không sao đâu, chỉ hơi đau tí thôi, xong là về, đi học lại bình thường".

Trả lời phỏng vấn sâu trong một nghiên cứu về nạo phá thai, cô gái 20 tuổi người An Giang này chia sẻ: “Em muốn được các cô tư vấn cách chăm sóc sức khoẻ sau khi phá thai vì em nghe nói sau khi phá có người không có con được. Em cũng sợ mình như thế. Nhưng các cô làm xong cho em lại không nói gì hết. Em không biết phải vệ sinh như thế nào, 'quan hệ' ra sao sau đó".

Trường hợp của Tâm không hề hiếm. Trên Internets, những câu hỏi kiểu như: "liệu hút thai bao nhiêu lần thì mới bị vô sinh?" hay "sau bao lâu có thể quan hệ lại được", "em thấy hoàn toàn khỏe mạnh, có cần nghỉ ngơi hay kiêng khem gì không"..., rất phổ biến với cả những bạn trẻ từng hút thai tới vài ba lần. Một trong những lý do dẫn đến việc này là họ ít được tư vấn trong quá trình thực hiện thủ thuật. Và hệ quả là nhiều bạn đã không biết cách giữ gìn sức khỏe cho mình sau đó dẫn đến các biến chứng đáng tiếc hoặc lại tiếp tục có thai và phá.

Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều bạn trẻ sau nạo phá thai vẫn không biết cách phòng ngừa nên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hình minh họa: Hoàng Hà.

Mỹ Trang (học sinh một trường cấp 3 ở Hà Nội) sau khi trải qua những đau đớn, sợ hãi trong lần hút thai đầu tiên đã thề sẽ không bao giờ để chuyện này xảy ra nữa. Thế nhưng, hai tháng sau đó, cô bé lại có mặt ở một phòng khám sản khác với gương mặt thất thần: "Bác sĩ ơi, cháu không biết mình bị làm sao nữa, quá ngày rồi mà vẫn chưa 'bị'. Hay tại cháu phá nên gặp trục trặc gì?". Sau đó, Trang càng sốc hơn khi thấy que thử thai bác sĩ đưa cho hiện lên hai vạch hồng.

"Cháu cứ nghĩ phải mất một thời gian để 'bộ máy' trở lại bình thường được nên không thể có thai lại ngay và cứ... thoải mái sau ba ngày hút. Người làm cho cháu lần trước chẳng thấy nói gì đến việc này", Trang vừa khóc vừa nói với bác sĩ và xin phá thai lần hai vì sợ bố mẹ biết chuyện.

Còn Hải Anh sinh viên năm thứ nhất một trường đại học bán công ở Hà Nội lên mạng cầu cứu: "Em vừa đi hút thai xong thì hôm sau trường tổ chức dã ngoại. Em đã tham gia đá bóng vì có tên trong danh sách từ trước, sau đấy thấy người mệt, lên cơn sốt, lại ra rất nhiều máu, không biết có sao không. Trước đó, lúc làm cho em, bác sĩ chỉ bảo: cứ đi học bình thường, cô làm đảm bảo lắm, không ảnh hưởng gì đâu". Cô gái trẻ này sau đó phải nhập viện vì bị tổn thương ở tử cung.

Theo một báo cáo mới đây tổng hợp các nghiên cứu về vấn đề nạo hút thai tại Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), hoạt động tư vấn trước, trong và sau khi phá thai cho phụ nữ, nhất là các bạn gái trẻ chưa lập gia đình chưa được triển khai tốt. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam có tỷ lệ nạo hút thai, nhất là nạo hút thai từ hai lần trở lên rất cao.

Theo khảo sát mô hình thí điểm dịch vụ sức khoẻ sinh sản thân thiện với thanh thiếu niên tại Hà Nội, TP HCM và An Giang thì trong 93 trường hợp nạo thai, chỉ có 2 phần 3 số bạn trẻ được bác sĩ yêu cầu nằm nghỉ sau thủ thuật. Cứ 10 cô gái thì có 8 bạn được tư vấn về nguy cơ của nạo phá thai, cách xử trí khi có dấu hiệu báo động nhưng họ hầu như không được hướng dẫn gì về cách giữ gìn vệ sinh sau nạo.

Theo một khảo sát của UNFPA thì khoảng 40% tổng số trường hợp có thai đã phá thai và mỗi phụ nữ phá thai trung bình khoảng 2,5 lần trong đời. Còn theo kết quả điều tra Y tế quốc gia 2007 thì trong số phụ nữ từng nạo hút thai, có tới hơn 1/4 số họ đã làm việc này từ hai lần trở lên.

Theo tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh - tác giả báo cáo nghiên cứu trên, vì đây là mô hình thí điểm thuộc dự án sức khoẻ sinh sản nên mới có kết quả đó, nếu không, mức độ tư vấn chắc chắn không khả quan như vậy.

Ông cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến việc tư vấn không đầy đủ và kém chất lượng như trên: áp lực thời gian, nhân viên y tế thiếu kỹ năng tư vấn, thiếu sự thân thiện đối với khách hàng trẻ chưa lập gia đình... Ngoài ra, do tâm lý ngại đến bệnh viện, muốn giữ kín thông tin, các bạn gái trẻ thường tìm đến các phòng khám tư để thực hiện thủ thuật và nhiều nhân viên y tế ở các cơ sở này chưa quan tâm đến công tác tư vấn.

Một khảo sát nhỏ của Vnexpress.net vừa qua với gần 500 độc giả cũng cho thấy, gần một phần ba số phụ nữ đi nạo phá thai không được nhân viên y tế tư vấn gì, một số tương tự khác chỉ được bác sĩ dặn dò sơ sơ về việc nghỉ ngơi, trong khi không ít người phải cố gạn hỏi thì mới được bác sĩ tư vấn.

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, trung tâm y tế lao động (Thái Hà, Hà Nội), việc tư vấn cho khách hàng nạo hút thai vô cùng quan trọng. Thông thường, khi tiếp nhận yêu cầu này, bao giờ bà cũng phân tích cho các bạn trẻ thấy ảnh hưởng của việc làm này đến tâm, sinh lý cũng như khả năng sinh sản sau này. Bác sĩ bao giờ cũng chia sẻ để các bạn hiểu đây là giải pháp bất đắc dĩ nên cần suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định.

Nếu sau đó họ vẫn giữ nguyên ý định thì bác sĩ phải tư vấn cho họ cách tránh thai sau phá, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cũng như những dấu hiệu nào cần lưu ý và phải đến viện khám khi đã trở về nhà.

Bà Dung cho biết, những điều này bất cứ cơ sở nào cũng cần phải làm để giúp khách hàng tự biết bảo vệ sức khỏe cho mình và tránh để xảy ra "tai nạn" này lần nữa.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho hay, tỉ lệ thanh thiếu niên nữ phá thai nhiều, nhất là phá thai liên tiếp vài lần ngoài việc do công tác tư vấn chưa đầy đủ còn vì ý thức và lối sống của một bộ phận giới trẻ. Bà kể rằng, nhiều đôi đến nạo hút thai dù đã được tư vấn rất kỹ, và bác sĩ cho cả thuốc tránh thai trong đơn thuốc uống cùng kháng sinh nhưng họ vẫn không sử dụng mà lại để có thai ngoài ý muốn lần tiếp theo.

Theo Bộ Y tế, phá thai an toàn là phải có tư vấn về phá thai. Các biện pháp ngoại khoa (hút, nong và nạo thai sớm) có thể thực hiện đến hết 12 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Trong vòng 7 tuần đầu, có thể phá thai bằng thuốc. Phương pháp nong và gắp được áp dụng cho thai 13-18 tuần. Đối với từng phương pháp, Bộ cũng có quy định chặt chẽ về tuyến áp dụng, người được phép thực hiện, chỉ định, chống chỉ định, quy trình kỹ thuật, xử trí tai biến, theo dõi và chăm sóc ... .

Với bất kỳ phương pháp nào, tư vấn cũng là khâu rất quan trọng nhằm giúp thai phụ tự quyết định việc có phá hay không. Nếu quyết định bỏ thai, họ sẽ cùng cán bộ y tế lựa chọn phương pháp phù hợp trên cơ sở các thông tin về kỹ thuật, nguy cơ có thể gặp, cách tự chăm sóc và biện pháp tránh thai phù hợp sau đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét